19 Tháng Mười Một, 2019
Đà Nẵng-Quảng Nam bàn cách xử lý rác thải rắn ở sông Vu Gia-Thu Bồn
Đây là chương chình do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Viện nước
Quốc tế Thụy Điển (SIWI), UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP. Đà Nẵng đồng phối hợp tổ chức.
Theo tìm hiểu của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang là một vấn đề nhức nhối đối với nhiều lưu vực sông trên thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong đó, Vu Gia – Thu Bồn là lưu vực sông lớn thứ chín tại Việt Nam và được xem là hệ thống sông lớn duy nhất tại khu vực miền Trung Việt Nam đổ ra biển Đông từ khu vực Hội An.
Việc sử dụng đất và nước ở thượng nguồn sẽ có tác động không cân bằng lên môi trường ở vùng cửa sông và ven biển Quảng Nam, Đà Nẵng.
Quang cảnh buổi hội thảo
Bà Vũ Thu Hà – Chuyên gia đến từ IUCN cho biết, kết quả nghiên cứu thực địa trong thời gian 10 ngày (từ 21-31/10/2019) cho thấy, tổng lượng chất thải nhựa phát sinh ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn là 281 tấn/ngày, trong đó lượng chất thải nhựa không được thu gom là 36,5 tấn/ngày.
“Giả định, khoảng 10% đến 25% lượng chất thải không được kiểm soát sẽ đi vào các nguồn nước. Kết quả là sẽ có khoảng từ 3,7 – 9,1 tấn chất thải nhựa có khả năng rò rỉ hàng ngày vào các nguồn nước…”, bà Hà chia sẻ.
Được biết, trước đó, tháng 12/2016, với sự hỗ trợ kỹ thuật và thúc đẩy của IUCN, UBND TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã ký thỏa thuận hợp tác trong ba năm (2017 – 2020) thí điểm thực hiện “Quản lý Tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và khu vực ven biển Quảng Nam – Đà Nẵng” sử dụng cách tiếp cận từ Đỉnh núi xuống Rạn san hô (R2R). Ban điều phối chung (JCC) đã được hai bên thành lập để giải quyết các vấn đề liên vùng liên tỉnh và chịu trách nhiệm xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động và thực hiện.
Rác thải nhựa tấp vào biển Đà Nẵng sau 1 trận mưa lớn
Rác thải nhựa tại bãi biển Tam Hải ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam
JCC thông qua tham vấn với IUCN và các đối tác đã quyết định lựa chọn rác thải rắn là dòng chảy ưu tiên tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Việc xác định dòng chảy chính về rác thải rắn cũng phù hợp với những cam kết và đồng thuận cao từ tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và Việt Nam liên quan đến cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa.
Tại Hội thảo lần này, đại diện của Viện nước Quốc tế Stockholm (Thụy Điển) đã giới thiệu cách tiếp cận từ-Nguồn-tới-Biển (S2S) và lợi ích việc áp dụng cách tiếp cận này để giải quyết các vấn đề cấp bách trong quản lý giữa lưu vực sông và vùng biển. Theo đó, khung quản lý S2S nhằm giảm rác thải trên biển sẽ tập trung vào tính kết nối và liên quan lẫn nhau giữa các lưu vực sông và vùng ven biển với mục đích giải quyết một cách tổng thể vấn đề quản lý đất, nước ngọt và hệ sinh thái để kiểm soát và hạn chế rác thải nhựa từ các nguồn khác nhau đổ ra biển và hệ thống nước ngọt.
Do đó, cách tiếp cận tổng hợp hiệu quả sẽ là một phương pháp cần thiết để quản lý vấn đề ô nhiễm nhựa từ đất liền ra sông và biển. Với nỗ lực lồng ghép quản lý tài nguyên đất, nước và biển, S2S sẽ giúp các bên liên quan ở thượng nguồn và hạ nguồn ngồi lại với nhau, thảo luận và tăng cường điều phối giữa các bên, một việc vô cùng quan trọng và phù hợp trong bối cảnh những thách thức đang diễn ra tại lưu vực Vu Gia – Thu Bồn.
Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, ban điều phối Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn cũng tích cực phối hợp với nhau quản lý theo hướng tiếp cận từ nguồn tới biển, bởi rác thải ở một địa phương này có thể ảnh hưởng đến địa phương khác thông qua hệ thống sông suối, các dòng chảy ven biển.
“Trước hết phải nâng cao nhận thức của người dân từ vùng núi đến ven biển, ven sông hiểu được rằng mỗi hành động của mình đều tác động đến cộng đồng. Đồng thời là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hai tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng trong vấn đề xử lý rác thải, nhất là rác thải nhựa “- ông Lê Trí Thanh chia sẻ.